5 năm BIC: Những mốc son

12:00 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Mười Hai, 2010
Theo chiến lược thành lập Tập đoàn tài chính mang thương hiệu BIDV, Công ty Bảo hiểm BIDV đã được thành lập sau thương vụ BIDV mua lại phần vốn góp của QBE trong liên doanh Bảo hiểm Việt Úc (BIDV – QBE) để thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn của BIDV. Sau 5 năm, thương vụ ấy đã tạo nên một BIC khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định tên tuổi của BIDV trên thị trường tài chính.

Những ngày đầu

Tổng Giám đốc BIC, ông Phạm Quang Tùng chia sẻ: “Những ngày đầu tiếp quản liên doanh không hề dễ dàng. Hầu hết cán bộ ngân hàng được điều động sang BIC đều chưa có kiến thức và kinh nghiệm về bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm lại không hề giống như ngân hàng, có những đồng nghiệp thực sự bị “sốc” trước những chiêu cạnh tranh mà người ta vẫn gọi là phi kỹ thuật, sát ván của thị trường bảo hiểm. Một môi trường kinh doanh hoàn toàn khác, cách thức hoạt động cũng khác đòi hỏi mỗi người phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần so với trước”.

Sự bỡ ngỡ ban đầu không cản bước tiến và quyết tâm phát triển BIC. Với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng và hơn 20 cán bộ ban đầu, BIC đã gây dựng thêm 9 chi nhánh ngay trong năm đầu tiên hoạt động để mở rộng “chân rết” tại các địa bàn chiến lược và nhiều tiềm năng. Cuối năm 2006, BIC tăng vốn lên 200 tỷ đồng để tạo lực cho sự mở rộng quy mô trong các năm sau đó.

Lần lượt, trong năm thứ 2, BIC mở thêm 3 chi nhánh và 7 chi nhánh trong năm thứ 3, mở rộng hoạt động tại hầu hết các tỉnh thành lớn trên cả nước. Trong 3 năm này, BIC cũng kiện toàn bộ máy và đưa ra các quyết định chiến lược làm thay đổi vị thế của BIC trên thị trường bảo hiểm như: mạnh dạn đầu tư triển kênh Bancassurance, thành lập Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) tại Lào, triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000, triển khai Trung tâm Dịch vụ Khách hàng tiếp nhận các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng 24/7.

Sau 3 năm tăng trưởng mạnh về quy mô với tốc độ tăng trưởng luôn ở top 3 công ty dẫn đầu thị trường. Kết quả, cuối năm 2008, BIC vươn lên vị trí thứ 6 trong tổng số 27 Công ty bảo hiểm Phi nhân thọ trên thị trường Việt Nam về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc. Năm 2009, BIC quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển hướng sang mục tiêu hiệu quả thay vì tăng trưởng theo quy mô để dành thị phần như các năm trước.

Năm 2010: Tạo đà từ cổ phần hóa

Theo chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, theo phê duyệt của Hội đồng Quản trị BIDV, BIC được lựa chọn là đơn vị thí điểm thực hiện cổ phần hóa đầu tiên của hệ thống BIDV. Trọng trách trên vai, cổ phiếu BIC là bước thử cho cổ phiếu BIDV.

Ngày 5/8/2010: Tại phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của BIC, số lượng đặt mua cao hơn 2,5 lần chào bán, 100% cổ phần được các nhà đầu tư mua hết với giá đấu thành công bình quân là 11.200 đồng/cổ phiếu. Sở GDCK Hà Nội cũng phải thừa nhận trong điều kiện thị trường chứng khoán ở thời điểm này, sự thành công của BIC là điều ngoài mong đợi.


Tiếp theo phiên đấu giá cổ phiếu, ngày 9/9/2010, tại Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, bên cạnh việc thông qua kế hoạch kinh doanh Quý 4/2010 và giai đoạn 5 năm đầu tiên sau cổ phần hóa (2011-2015), BIC đã thông qua các cổ đông về việc cải tổ lại bộ máy hoạt động, thay đổi mô hình tổ chức theo hướng chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và tăng chủ động cho các đơn vị kinh doanh. Cùng với mốc thay đổi quan trọng này, ngày 1/10/2010, Bộ Tài chính đã có giấy phép chấp thuận việc BIC chuyển đổi mô hình hoạt động lên Tổng Công ty cổ phần. Như vậy, từ 1/10/2010, BIC chính thức khoác lên mình bộ áo mới, với tên gọi Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Chúng tôi cam kết, thay đổi mô hình hoạt động BIC không chỉ là thay đổi về mặt tên gọi, hình thức mà sẽ là tiền đề cho những thay đổi toàn diện về tư duy kinh doanh, hiệu quả hoạt động. Sau khi cổ phần hóa, thu nhập của cán bộ nhân viên sẽ phải cao hơn so với trước khi cổ phần hóa, cổ tức dành cho cổ đông sẽ duy trì ở mức tối thiểu 10%/năm”. Ông Phạm Quang Tùng cho biết về quyết tâm và các mục tiêu của BIC sau khi cổ phần hóa.

Sau 5 năm hoạt động, BIC đã dần có chỗ đứng trong lòng khách hàng và thị trường bảo hiểm. Nhắc tới BIC, những điểm sáng không thể không nói tới gồm: là công ty tiên phong đầu tư ra nước ngoài (với việc thành lập và đưa vào hoạt động LVI tại Lào và CVI tại Campuchia); là công ty dẫn đầu phát triển kênh Bancassuarnce trên thị trường với mạng lưới ngân hàng liên kết và số lượng sản phẩm bán lớn nhất thị trường; là công ty đầu tiên triển khai kênh bán bảo hiểm trực tuyến (qua ATM, SMS, internet, tổng đài điện thoại miến phí 24/7),

Mục tiêu 2011

Năm 2011 được xác định là năm BIC sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung cũng như tìm kiếm đối tác chiến lược và triển khai định hạng tín nhiệm quốc tế. Mục tiêu kinh doanh được xây dựng cho năm này thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường của BIC và đảm bảo tiêu chí tăng trưởng chất lượng, hiệu quả.

Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của năm 2011 gồm: Tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng trong đó 715 tỷ đồng là từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng; ROE 11,3%; Tỷ lệ cổ tức 10%; Thị phần duy trì vị trí top 10.

Chúng tôi tin vào khả năng phát triển của BIC trong năm 2011 và những năm tiếp theo. BIC đặt mục tiêu trở thành 1 trong 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam, cung cấp cho khách hàng sản phẩm và dịch vụ tiện lợi nhất, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các cổ đông, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tốt nhất. Với các mục tiêu đặt ra rất rõ ràng và có lộ trình thực hiện cụ thể, 5 năm tiếp theo, thị trường bảo hiểm sẽ được chứng kiến sự lớn mạnh và khẳng định sự phát triển bền vững của BIC”. Ông Phạm Quang Tùng phát biểu.

Trong ảnh: Ông Phạm Quang Tùng, Tổng Giám đốc BIC nhận Giấy phép điều chỉnh mô hình hoạt động của BIC sang Tổng Công ty Cổ phần từ ngày 1/10/2010