M&A: Lời giải cho tham vọng của BIC

11:32 SA @ Thứ Năm - 15 Tháng Tám, 2013
Mới đây TCty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã được Tập đoàn Vingroup lựa chọn là đơn vị bảo hiểm đứng đầu trong liên doanh bảo hiểm cho 2 dự án đô thị lớn của Vingroup tại Hà Nội. Đây cũng là DN từng làm giới bảo hiểm trong nước bất ngờ khi quyết định mở rộng đầu tư vào 2 liên doanh tại Lào và Campuchia.
Tiền tệ & Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn với ông Tôn Lâm Tùng - Tổng Giám đốc BIC - để tìm hiểu về những bước đi táo bạo này.

Ông có thể cho biết, vì sao BIC được lựa chọn là đơn vị đứng đầu bảo hiểm cho 2 dự án lớn của Vingroup tại Hà Nội?

- Chúng tôi đã đồng hành cùng Tập đoàn Vingroup từ năm 2006 và đã tham gia bảo hiểm cho nhiều dự án lớn của Vingroup. Chúng tôi cũng là DN bảo hiểm đứng đầu trong nước được Vingroup lựa chọn là nhà bảo hiểm cho toàn bộ tài sản, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh và trách nhiệm công cộng cho Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên với tổng mức trách nhiệm gần 200 triệu USD.

Việc được Vingroup tiếp tục lựa chọn là nhà bảo hiểm cho 2 dự án Khu phức hợp Royal City và Times City cho thấy sự tín nhiệm và tin tưởng mà Vingroup dành cho chúng tôi, và cũng là vinh dự của BIC được tiếp tục đồng hành cùng một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu.

Để tiếp tục có được những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn như trên, BIC có kế hoạch phát triển như thế nào trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bảo hiểm ngày càng cạnh tranh với sự tham gia của nhiều đơn vị bảo hiểm quốc tế tên tuổi, thưa ông?

- Qua 8 năm hoạt động, BIC đã khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường bảo hiểm, được tin tưởng lựa chọn là nhà bảo hiểm cho nhiều công trình lớn, quan trọng của đất nước, khẳng định được thế mạnh trong các lĩnh vực bảo hiểm tài sản, xây dựng lắp đặt. Bên cạnh đó, là thành viên của NHTMCP BIDV cũng đã mang lại cho chúng tôi nhiều lợi thế khi làm việc với các đối tác, khách hàng.

Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho một quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Quá trình tái cấu trúc bao gồm tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và cách thức bán hàng, cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo mô hình Holdings. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị cho quá trình định hạng tín nhiệm quốc tế để đáp ứng với các chuẩn mực thế giới, chứng minh năng lực của mình ở cả trong nước và quốc tế.

Được biết BIC vừa mua lại 2 phần vốn góp tại 2 công ty bảo hiểm ở Lào và Campuchia. Vì sao trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, các DN có xu hướng giữ tiền tránh rủi ro thì BIC lại quyết định mở rộng đầu tư tại 2 liên doanh này? BIC có định chuyển 2 công ty đó thành công ty con 100% vốn sở hữu của BIC hay không, thưa ông?

- Lào và Campuchia là hai nước có nền kinh tế đang phát triển, các hành lang pháp lý đang rộng mở để thúc đẩy các ngành nghề và thu hút đầu tư nước ngoài. Thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình từ 20 – 25%/năm, là cơ hội hết sức tiềm năng.

Chúng tôi có lợi thế am hiểu thị trường bản địa khi đã tham gia quản lý, điều hành hoạt động của Liên doanh bảo hiểm Lào - Việt (LVI) và Liên doanh bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI). Đối với LVI, sau 4 năm hoạt động tại Lào, đã có thị phần chiếm xấp xỉ 12,5%, đứng thứ 2/6 doanh nghiệp phi nhân thọ với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm xấp xỉ 100%/năm.

Tại thị trường Campuchia, CVI cũng hoạt động ổn định, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bắt đầu phát huy hiệu quả. Hiện CVI đang dẫn đầu thị trường Campuchia về bảo hiểm hàng không và là nhà bảo hiểm chính cho các công trình, dự án của Việt Nam đầu tư sang Campuchia.

Trước những thành công của LVI và CVI tại hải ngoại, chúng tôi cho rằng việc góp vốn để gia tăng sở hữu tại hai liên doanh sẽ là cơ hội để BIC có điều kiện đầu tư, nâng cao doanh thu, hiệu quả hoạt động tại thị trường hải ngoại, trong bối cảnh thị trường trong nước đang tăng trưởng chững lại.

Đồng thời, việc tăng tỉ lệ sở hữu tại các liên doanh cũng giúp BIC có điều kiện để mở rộng mạng lưới, thị phần tại các thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng nhanh, qua đó mang lại lợi tức cho BIC. Ngoài ra còn góp phần tăng cường vị thế, hình ảnh của BIC như là doanh nghiệp đầu tiên có mạng lưới kinh doanh thành công tại 3 nước Đông Dương.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng vốn, BIC sẽ sở hữu 65% vốn tại 2 liên doanh. Về việc thành lập một công ty 100% vốn Việt Nam, chúng tôi sẽ xem xét khi có điều kiện thuận lợi.

Trong thời gian tới, BIC có kế hoạch tìm kiếm đối tác như vậy không? Nếu có thì ông có thể cho biết tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của BIC là gì?

- Trong chiến lược phát triển của mình, BIC đã có kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài và đang trong quá trình gặp gỡ với các đối tác để trao đổi cơ hội hợp tác. Đối tác chiến lược của BIC được định hình sẽ là một Cty bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm quốc tế có uy tín, có thể hỗ trợ tốt BIC về phát triển nhân lực, quản trị rủi ro, phát triển các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Vì xác định chỉ lựa chọn một cổ đông chiến lược nên chúng tôi rất thận trọng trong việc lựa chọn và xác định quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của BIC.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterest