Quản lý rừng bền vững tại Việt Nam và câu chuyện thực tế

15/10/2024

Quá trình suy thoái tài nguyên rừng kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về môi trường sinh thái đã làm tăng sự quan tâm của các quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Rio năm 1992, một chính sách toàn cầu về quản lý rừng bền vững (QLRBV) đã được đề xuất. Kể từ đó QLRBV đã được thảo luận,  một cách rộng rãi. Để đánh giá hoạt động QLRBV một cách có hiệu quả, chứng chỉ quản lý rừng bền vững được đưa ra. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FM) là một hình thức công nhận chủ rừng có hoạt động quản lý và khai thác rừng đáp ứng tiêu chuẩn bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội. Một số loại chứng chỉ rừng uy tín được cấp tại Việt Nam như: VFCS, FSC, PEFC… 

Ở Việt Nam, tiến trình QLRBV và chứng chỉ rừng (CCR) được khởi động từ đầu năm 1998 với việc thành lập Tổ công tác quốc gia tại Hội thảo quốc gia về QLRBV và CCR được tổ chức từ ngày 10-13 tháng 02 năm 1998, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

FSC được cấp đầu tiên cho khu rừng tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (nguồn: 2023, Nguyền Hoàng, Rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ quốc tế)

Từ năm 1998 đến tháng 11/2014, mặc dù Việt Nam tham gia vào tiến trình quản lý rừng bền vững, tuy nhiên các hoạt động mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm, tự phát và trông chờ vào viện trợ. Năm 2006, đơn vị được cấp Chứng chỉ rừng đầu tiên ở Việt Nam là Công ty trồng rừng Quy Nhơn (QPFL) liên doanh cùng công ty New Oji (Nhật Bản) với tổng diện tích 9.762,61 ha rừng trồng với loài cây chính là Bạc đàn Urophylla. 

Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam bắt đầu chuyển mình khi Chính Phủ ban hành thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT: “Hướng dẫn về phương án quản lý rừng bền vững”. Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT đã mang lại các tác dụng tích cực và hiệu quả rõ rệt. Tính đến cuối năm 2014, so với trước thời điểm thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT, nước ta tăng thêm được 23 chủ rừng với 136.706 ha rừng được cấp chứng chỉ FM. 

Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT dù đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động quản lý rừng bền vững ở nước ta. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện cũng bộc lộ một số điểm hạn chế như: phạm vi điều chỉnh thiếu rừng đặc dụng; thiếu một số đối tượng chủ rừng: doanh nghiệp tư nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư; thiếu quản lý hoạt động, sử dụng rừng trong rừng sản xuất; Thiếu hướng dẫn phương pháp tính toán về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của Phương án quản lý rừng bền vững….

Giai đoạn từ 2018 đến năm 2024, Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, thay thế thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT; Đồng thời, Bộ NN&PTNT ban hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) vào tháng 9 năm 2019, các chủ rừng trên cả nước đồng loạt triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Với sự quan tâm của chính phủ, từng bước hoàn thiện các chính sách lâm nghiệp, đến tháng 6 năm 2024, Việt Nam có 489.283 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên tổng diện tích rừng là 14.677.215 ha, trong đó có 167.439 ha là chứng chỉ PECF.

Trong giai đoạn tới, cả nước phấn đấu đạt 01 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC và VFCS/PEFC. 

Diện tích cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (nguồn ảnh:Trần Tuấn)

Có thể nói, việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức, năng lực về thực thi quản lý rừng bền vững cho đội ngũ cán bộ lâm nghiệp các cấp, các chủ rừng, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp.

Tel: 024.3641 3620