Xây dựng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

15/08/2024

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Năm 2021, Việt Nam có 14,7 triệu ha rừng, chiếm 42% độ che phủ. Trong đó, rừng đặc dụng 2,2 triệu ha (15%), rừng phòng hộ 4,6 triệu ha (32%), rừng sản xuất 7,8 triệu ha (53%). Phân theo chủ quản lý rừng, 60% do Nhà nước quản lý và 40% giao các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. 

Giai đoạn 2010-2020, lượng phát thải hàng năm tại Việt Nam là 30,5 triệu tấn CO2e, và rừng hấp thụ 69,8 triệu tấn CO2e/năm. Năm 2020, có 612 triệu tấn CO2e lưu giữ trong rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 80%.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp và luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định giảm phát thải ở tất cả các lĩnh vực và phát triển thị trường carbon trong nước.

Theo ông Vũ Tấn Phương - Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững cho biết, Việt Nam cam kết tại COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào 2050; tham gia Tuyên bố Glasgow và cam kết giảm phát thải khí metan; Chiến lược biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2022, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và thích ứng BĐKH. Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow đang được xem xét phê duyệt nhằm đảo ngược tình trạng mất rừng. Tại Việt Nam, thị trường carbon chia làm hai loại, là thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.

Để thực hiện chương trình thương mại carbon trong lâm nghiệp tại Việt Nam, chúng ta cần xây dựng khung pháp lý nhằm thúc đẩy thị trường carbon trong nước và quốc tế. Cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng dự án thương mại carbon và thực hiện MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính).

Nguồn: Công ty cổ phần Vũ Phong Energy Group
Tel: 024.3641 3620